Thu tuc nhap khau xe cau banh xich

 I. Những điều cần biết về xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng

1. Khái niệm xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng

Nhập khẩu các loại xe máy chuyên dùng, bao gồm cả xe nâng điện, máy xúc, máy đào và nhiều loại máy móc khác, đều phải tuân thủ các thủ tục nhập khẩu. Trong phụ Lục 1 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT có định nghĩa cụ thể cho nhóm xe máy chuyên dùng như sau:

  1. Máy làm đất: Bao gồm các loại máy ủi, máy xúc, máy đào, máy san, máy cạp và các loại máy móc khác được sử dụng trong các hoạt động làm đất.

  2. Máy thi công mặt đường + nền móng công trình: Bao gồm các loại xe lu, máy đóng cọc, máy ép nhổ cọc, máy khoan cọc nhồi, máy nghiền đá, máy bơm bê tông và các loại máy móc khác được sử dụng trong các hoạt động thi công mặt đường hoặc nền móng công trình.

  3. Máy xếp dỡ: Bao gồm các loại cần trục (bánh lốp, bánh xích), máy xúc và các loại xe máy nâng hàng khác, được sử dụng trong các hoạt động xếp dỡ hàng hóa.

  4. Xe máy chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp: Bao gồm các loại máy kéo bánh lốp, bánh xích và các loại máy móc khác được sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.

2. Lợi và hại của việc mua xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng

* Việc nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng có nhiều lợi ích như sau:

  • Tiết kiệm chi phí so với mua xe mới.

  • Tăng tính linh hoạt và đa dạng trong việc sử dụng các thiết bị/ phương tiện vào mục đích khác nhau.

  • Chất lượng xe máy vẫn đảm bảo vì được kiểm định trước khi nhập khẩu.

** Việc nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng cũng có một số rủi ro như sau:

  • Xe máy không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

  • Xe máy đã qua sử dụng có thể bị hư hỏng hoặc có lỗi kỹ thuật, dẫn đến chi phí sửa chữa cao hơn.

  • Quá trình thực hiện các thủ tục phức tạp và tốn kém thời gian để nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn một đơn vị nhập khẩu uy tín và có kinh nghiệm, các rủi ro trên có thể được giảm thiểu đáng kể.


II. Quy trình nhập khẩu xe cẩu bánh xích đã qua sử dụng vào Việt Nam

1. Chính sách mặt hàng

  • Theo theo Nghị định 69/2018 ngày 15 tháng 5 năm 2018 (thay thế Nghị định số 187/2013/NĐ-CP), thì những mặt hàng như xe nâng, máy xúc, xe cẩu bánh xích,… trong danh sách nêu trên đều không thuộc loại cấm nhập, kể cả loại đã qua sử dụng.

  • Quyết Định 18/2019/QĐ-TTg (thay thế cho Thông tư 23/2015/TT-BKHCN): Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

  • Trong đó quy định tuổi máy cũ "không quá 10 năm", tuy nhiên không gồm các loại xe máy chuyên dùng nêu trong phạm vi bài viết này.

  • Theo quy định thì xe nâng, máy xúc đào, xe lu, xe cẩu tự hành... chịu quản lý chuyên ngành của Bộ giao thông vận tải, chứ không phải của Bộ Khoa học Công nghệ. Do vậy, xe quá 10 năm vẫn có thể được nhập khẩu.

  • Thông tư 12/2022/TT-BGTVT quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ giao thông vận tải.

  • Mặc dầu vậy, bạn cũng cần lưu ý, trong Phụ lục I.II.8 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP nêu rõ các loại hàng bị cấm nhập khẩu, trong đó có "Các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ", cho dù là xe cũ hay mới. Nếu cố ý hoặc vô ý nhập về là bị tịch thu ngay.

  • Cụ thể, Nghị định 69/2018 chỉ rõ những loại xe dưới đây thuộc diện cấm nhập khẩu: a) Phương tiện vận tải tay lái bên phải (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam), trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay; xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân golf, công viên. b) Các loại ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ và bộ linh kiện lắp ráp bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ. c) Các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung. d) Các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

Tổng hợp văn bản

1. Quyết Định 18/2019/QĐ-TTg thay thế cho Thông tư 23/2015/TT-BKHCN → Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

2. Nghị định 69/2018/NĐ-CP (phụ lục I.II.8) → Quy định các trường hợp cấm nhập đối với xe máy chuyên dụng.

3. Thông tư 12/2022/TT-BGTVT quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ giao thông vận tải.

4. Thông tư 22/2019/TT-BGTVT (thay thế 89/2015/TT-BGTVT và 41/2011/TT-BGTVT) → Quy định về đăng kiểm xe máy chuyên dùng

2. Quy trình thủ tục nhập khẩu xe cẩu bánh xích và đăng kiểm

  1. Đăng ký đăng kiểm

  2. Nộp hồ sơ hải quan

  3. Đem hàng về kho bảo quản

  4. Kiểm tra đăng kiểm thực tế

  5. Thông quan hàng hóa

(Tham khảo: Thông tư 38/2015/TT-BTC39/2018/TT-BTC về thủ tục hải quan)


3. Quy trình thực hiện chi tiết

Bước 1: Đăng ký đăng kiểm

  • Trước khi hàng về, khi có giấy báo hãng tàu bạn đã có thể làm bộ hồ sơ đăng ký với cơ quan đăng kiểm. Hiện nay, việc nộp hồ sơ đã qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, không còn làm hồ sơ giấy như trước đây nữa.

  • Sau khi hồ sơ hợp lệ, bên Đăng kiểm sẽ cấp số vào giấy đăng ký. Bạn nhập số đăng ký đó, và (nếu cần thì) đính kèm file giấy đăng ký vào tờ khai hải quan điện tử và truyền tờ khai bằng phần mềm VNACCS.

Bước 2: Làm thủ tục hải quan

Truyền tờ khai xong, bạn đem bộ hồ sơ xuống chi cục hai quan để làm thủ tục tiếp. Vì hàng phải đăng kiểm, nên sẽ vào luồng Vàng hoặc Đỏ, chứ không Xanh được.

Hồ sơ gồm:

  • Hợp đồng (Contract)

  • Hoá đơn thương mại (Commercial Invoice)

  • Phiếu đóng gói (Packing list)

  • Hồ sơ kỹ thuật (Catalogue)

Bước 3: Đưa hàng về kho bảo quản

Có 2 vị trí để cán bộ đăng kiểm tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa.

  1. Tại kho riêng của chủ hàng

  2. Tại bãi cảng nơi tàu ghé vào dỡ hàng

  • Với hàng xe nâng, máy đào... có kích thước nhỏ, đóng trong container, chủ hàng nên chọn phương án 1: đưa về kho riêng để làm đăng kiểm. Cách này sẽ thuận lợi cho việc lắp đặt chạy thử, và tiết kiệm phí lưu kho bãi tại cảng.

  • Còn nếu hàng không đóng container (đi tàu hàng rời), thì có thể chọn 1 trong 2 phương án trên đều được.

  • Với trường hợp đầu tiên: Nếu muốn xin tạm giải phóng hàng về kho trong thời gian chờ kết quả đăng kiểm, thì bạn nộp thêm giấy tờ đề nghị hải quan xét duyệt cho mang hàng về kho bảo quản.

Hồ sơ gồm:

  1. Công văn Xin mang hàng về kho riêng để bảo quản, theo Mẫu số 09/BQHH/GSQL trong Thông tư 38/2015/TT-BTC

  2. Sơ đồ kho thiết kế khu vực lưu kho bãi;

  3. Thẩm định Phòng cháy chữa cháy của kho;

  4. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng kho bãi (như Hợp đồng thuê kho, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

  • Khi bạn nộp hồ sơ đã chuẩn chỉnh kèm đề nghị được đưa hàng về kho, và nộp thuế nhập khẩu nữa, hải quan xem xong nếu thấy hồ sơ chuẩn chỉnh và tiền thuế đã nổi (thường thuế NK 0%, VAT 10%), thì sẽ duyệt cho bạn đưa hàng về kho bảo quản. Bạn kéo hàng về kho riêng rồi làm bước tiếp theo…

Lưu ý: trong thời gian bảo quản tại kho chờ thông quan, chủ hàng không được sử dụng, mua bán hàng hóa đó. Nếu vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử phạt.

Bước 4: Đăng kiểm thực tế

  • Sau khi hàng về kho, bạn cần lắp đặt và chạy thử máy trước. Trong quá trình này, nên kiểm tra lại số khung và số máy của xe để đảm bảo chính xác. Nếu mọi thứ đều ổn, bạn nên mời cán bộ đăng kiểm đến kiểm tra thực tế. Nếu bạn làm việc qua đơn vị dịch vụ, thì họ sẽ báo đăng kiểm để cơ quan chức năng bố trí cán bộ đến kiểm tra tại kho của bạn.

  • Tùy thuộc vào khu vực kho của bạn, cơ quan đăng kiểm sẽ bố trí cán bộ đến kiểm tra. Nếu bạn để hàng tại cảng, ví dụ như khi xe nhập về bằng tàu hàng rời, bạn cũng nên xin kiểm tra đăng kiểm luôn tại bãi cảng.

  • Sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra đăng kiểm, bạn sẽ phải chờ đợi kết quả kiểm định trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày làm việc.

Bước 5: Thông quan hàng hóa

  • Khi có kết quả kiểm định (lấy trực tuyến), bạn báo cho cán bộ hải quan để họ kiểm tra trên hệ thống và làm nốt khâu thông quan là xong.

  • Đến thời điểm này, hàng hóa mới chính thức được sử dụng, trao đổi, mua bán.

Lưu ý: Khoản 2, Điều 3, Thông tư 12/2022/TT-BGTVT có hiệu lực 15/08/2022 quy định, cần trục bánh xích sau khi có đơn đăng ký từ Cục Đăng kiểm là sẽ được mở tờ khai làm TTHQ và thông quan lô hàng mà không cần chờ kết quả đăng kiểm.

III. Lời khuyên khi nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng

Nếu bạn đang có ý định nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng, hãy cân nhắc một số lời khuyên sau để đảm bảo quá trình nhập khẩu được diễn ra thuận lợi và an toàn:

  1. Tìm hiểu về các quy định liên quan: Hãy tìm hiểu kỹ về các quy định về nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng của Việt Nam để đảm bảo bạn hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan.

  2. Kiểm tra tình trạng xe máy: Trước khi quyết định mua chiếc xe máy chuyên dụng, hãy thực hiện kiểm tra tình trạng xe máy chuyên dụng để đảm bảo rằng nó không bị hỏng hóc và đáp ứng được yêu cầu của bạn.

  3. Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết: Để nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng, bạn sẽ cần các giấy tờ như hợp đồng (contract), phiếu đóng gói (packing list), hoá đơn (commercial invoice), catalogue. Hãy chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ này trước khi nhập khẩu.

  4. Tìm hiểu về chi phí: Ngoài giá tiền mua xe máy chuyên dụng, bạn sẽ cần phải trả các khoản chi phí vận chuyển, thuế và phí liên quan đến nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng. Hãy tìm hiểu kỹ về chi phí này trước khi quyết định nhập khẩu xe máy.

  5. Sử dụng dịch vụ của đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp: Nếu bạn không có đủ kinh nghiệm trong việc nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng, hãy sử dụng dịch vụ của một đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp để đảm bảo quá trình nhập khẩu được diễn ra thuận lợi và an toàn.

Những lời khuyên trên sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng, đảm bảo rằng bạn có được một chiếc xe máy chất lượng cao với giá thành hợp lý.


IV. Kết luận

Trên đây là một số thông tin cần biết về thủ tục nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng tại Việt Nam. Việc nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng có thể mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như tiết kiệm chi phí và đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, để tránh các rủi ro pháp lý và kỹ thuật, người tiêu dùng cần tuân thủ đầy đủ quy định và thủ tục nhập khẩu. Nếu cần, người tiêu dùng có thể tìm hiểu thêm thông tin và nhờ tư vấn của các chuyên gia để đảm bảo việc nhập khẩu được thực hiện đúng quy định và an toàn.

Chúc các bạn thành công trong quá trình nhập khẩu xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng!


V. Câu hỏi thường gặp

1. Tôi có thể mua xe cẩu bánh xích đã qua sử dụng từ những nước nào?

=> Việt Nam đa số nhập xe cẩu bánh xích của các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức,…

2. Một số thương hiệu xe cẩu bánh xích nổi tiếng?

  1. Komatsu

  2. Caterpillar

  3. Hitachi

  4. Liebherr

  5. Terex

  6. Kobelco

  7. Tadano

  8. Sany

  9. Zoomlion

  10. XCMG

3. Tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì để nhập khẩu xe cẩu bánh xích đã qua sử dụng vào Việt Nam?

=> Các giấy tờ cần thiết như: Contract, Invoice, Packing list, Catalogue (ngoài ra cần có một số giấy tờ khác kèm theo trong việc đáp ứng đủ điều kiện mang hàng về kho bảo quản trước khi thông quan. Tham khảo: “Quy trình thực hiện TTHQ chi tiết ở trên”.


4. Tôi phải trả các loại thuế suất gì khi nhập khẩu xe cẩu bánh xích đã qua sử dụng?

=> Các mặt hàng xe cẩu bánh xích đa số sẽ đóng 2 loại thuế: thuế NK 0%, thuế VAT 10%


5. Mã số Hs code cho xe cẩu bánh xích đã qua sử dụng?

=> HS code của xe cẩu bánh xích có mã: 84264900


6. Phương tiện chuyên chở hàng xe cẩu bánh xích đã qua sử dụng?

=> Tuỳ theo kích thước của xe cẩu cần chuyên chở, có nhiều cách thức vận chuyển quốc tế cho mặt hàng này, bao gồm: vận chuyển bằng container, vận chuyển bằng tàu rời, vận chuyển bằng tàu RO/RO


Nội dung liên quan: Hướng dẫn chi tiết thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm từ Mỹ năm 2023

Đây là tất cả thông tin mà H-Cargo Logistics muốn chia sẻ. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về thủ tục nhập khẩu xe cẩu. Nếu quý doanh nghiệp có bất kỳ thắc mắc hay cần hỗ trợ về thông tin, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.


 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thu tuc nhap khau rong bien da qua che bien

Thu tuc nhap khau may moc, day chuyen san xuat tu Trung Quoc

Giới thiệu H-Cargo Logistics